(TITC) - Nằm trải dọc 120km bên bờ bắc sông Tiền, Tiền Giang có nhiều lợi thế để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với miệt vườn, sông nước tiêu biểu là: điểm du lịch cộng đồng làng cổ Đông Hòa Hiệp (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè), điểm du lịch cộng đồng cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành), khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (thuộc 2 xã Thạnh Tân và Thạnh Hòa, huyện Tân Phước)…
Để tạo thêm các sản phẩm du lịch mới nhằm tăng sức hấp dẫn, cạnh tranh cho du lịch Tiền Giang, bên cạnh việc tiếp tục phát huy hiệu quả các sản phẩm du lịch sẵn có, tỉnh còn chú trọng đầu tư phát triển du lịch làng nghề thông qua việc ban hành Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, đồng thời xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Tỉnh đã chính thức công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống cho một số làng như: làng đóng tủ thờ (xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông), làng dệt chiếu (xã Long Định, huyện Châu Thành), làng làm nón Bàng Buông (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành), làng làm bánh, bún, hủ tiếu (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho), làng sấy cá khô (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Ðông), làng làm các sản phẩm thủ công từ lục bình, bẹ chuối (xã Quang Minh, TP. Mỹ Tho), làng làm bánh tráng rế, bánh phồng sữa (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè)…
Nghề làm nón Bàng Buông ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành
(Nguồn ảnh: nonlavietnam.com)
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, Tiền Giang sẽ đầu tư gần 500 tỷ đồng cho công tác bảo tồn và phát triển các làng nghề gắn với du lịch theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cụ thể, tỉnh sẽ lên kế hoạch bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống như: hủ tiếu Mỹ Tho, bánh phồng Cái Bè, bánh tráng Hậu Thành, tủ thờ Gò Công...; tuyên truyền, vận động các làng nghề như chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc, đan lát Tân Phong, bó chổi Hòa Định, bánh phồng Cái Bè, bánh tráng Hậu Thành, chế biến thủy sản Vàm Láng… cùng tham gia mô hình kinh tế tập thể theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để có pháp nhân làm đầu mối tổ chức sản xuất, cung ứng sản phẩm, quảng bá sản phẩm phục vụ du khách; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để phát triển các làng nghề; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm tạo điều kiện để các làng nghề phát triển, mở rộng giao lưu với các vùng, địa phương khác trong cả nước, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Hy vọng, với sự đầu tư hợp lý, các làng nghề ở Tiền Giang sẽ ngày càng phát triển, không những tạo ra các sản phẩm tiêu dùng có giá trị mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành du lịch tỉnh.
Thanh Hải