Hơn 50 năm hình thành và phát triển, nón bàng buông không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang 30 quốc gia
Nói đến nón bàng buông, không chỉ người miền Tây mà bạn bè quốc tế đều biết đến làng nón truyền thống Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Hơn 50 năm, trải qua nhiều thăng trầm nhưng xã Thân Cửu Nghĩa vẫn rộn ràng với nghề làm nón bởi những người thợ giỏi của làng.
Bà Phạm Thị Bê đang phơi nón sau khi nhuộm
Cha truyền con nối
Chúng tôi đến tổ hợp Vạn Phước nằm tại số 459 ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa - nơi có hơn 30 công nhân đang làm việc luôn tay để cho ra những chiếc nón xinh xắn phục vụ thị trường trong thời điểm cuối năm. Ngoài sân phơi đầy những chiếc nón bàng nhuộm màu tạo nên sắc xanh, đỏ rực rỡ. Bà Phạm Thị Bê, chủ tổ hợp, tuy đã 72 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, đang bận bịu kiểm tra những lô nón vừa hoàn tất để chuẩn bị xuất khẩu. Chỉ tay vào phòng trưng bày với hơn 300 mặt hàng gồm nón, túi xách, giỏ, bình phong, lót đế... bà cho biết đó là những sản phẩm đã được xuất sang các nước. Cầm chiếc nón rộng vành đủ màu sắc, bà giảng giải: “Nón này xuất sang châu Mỹ, dành cho những vũ hội hóa trang, còn nón lá xuất sang Nhật, Hàn Quốc. Riêng giỏ xách, ví tay... thì sang tận Pháp, Tây Ban Nha, Hungary...”. Nhìn những sản phẩm được trưng bày khắp phòng, tôi thầm thán phục tay nghề của bà trong suốt hơn 40 năm theo nghề làm nón.
Đây là làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm hiệu quả cho người dân, đặc biệt là phụ nữ vào những lúc nông nhàn. Nhờ nghề này mà nhiều hộ gia đình trở nên giàu có, con cái ăn học thành tài.
Bà Phạm Thị Bê kể: Người có công đưa nón bàng buông thành sản phẩm truyền thống của làng là ông Phạm Văn Cầm- tức Ba Cầm. Hồi đó, có lần ra rừng chơi, thấy lá buông đẹp, ông liền đem về xé nhỏ kết thành nón. Không ngờ, khi đội thử, chiếc nón không chỉ mát mà còn dễ chịu bởi mùi thơm thơm của lá buông. Ông bèn làm những chiếc nón lá buông cho những người dân trong vùng đội khi cày cấy. Không ngờ, nón được người dân quê ưa chuộng, đặt hàng quanh năm. Nghề làm nón bàng buông theo đó mà phát triển. Không chỉ dừng lại ở chiếc nón, người dân trong vùng còn tạo ra gối, nóp... cung cấp cho người dân các tỉnh, thành. Cũng như bao người dân trong làng, gia đình bà Bê cũng theo nghiệp làm nón qua nhiều thế hệ, từ ông nội đến cha mẹ rồi tới đời bà. Bà Bê khoe: “Tôi theo nghề hồi mới 10 tuổi”.
Nghề của sự tỉ mỉ
Dẫn chúng tôi xem quy trình làm nón, chị Hoàng Mộng Thúy, tổ trưởng tổ hợp Vạn Phước, tự hào: “Nón bàng buông không chỉ bền, đẹp mà còn giữ được màu sắc tươi sáng, đội không gây ngứa. Để có được những đặc tính như thế là cả một sự khéo léo của người dân làng nghề”. Theo lời của chị Thúy, lá buông sau khi lấy ở rừng về, được kéo nhỏ thành sợi, đan thành nón. Sau đó, nón được đem đi cắt, may viền, ép khuôn rồi nhuộm màu. Cuối cùng là công đoạn sấy khô, xử lý ẩm mốc. “Muốn nón đẹp, khi đan phải kéo sát tay cho chặt để nón không bị hở. Ngoài ra, sau khi sấy nón xong, phải dùng lửa xử lý cho hết phần lông còn dính trên nón”.
Công đoạn nhuộm màu cũng là một bí quyết của người dân trong làng. Chị Hồ Thị Chơi, một thợ nhuộm của làng, chia sẻ: “Khi nhuộm phải để nón trong nước sôi cho màu thấm đều, không loang lổ. Sau khi nhuộm xong, phải phơi nắng cho màu thấm sâu vào từng nan lá”. Chính sự tỉ mỉ ở từng công đoạn đã khiến cho nón bàng buông không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn vươn xa khắp các nước.
Nuôi sống nhiều gia đình
Mùa này, ở xã Thân Cửu Nghĩa, nhà nhà đều nhộn nhịp làm nón. Điều đáng nói là hiện nay ở đây không chỉ dừng lại ở việc làm nón mà còn lấn sang nhiều sản phẩm khác như giỏ, túi xách, ví... theo nhu cầu thị trường. Các công đoạn làm nón như kéo lá, đan, may, nhuộm... cũng được chuyên môn hóa bởi những người thợ giỏi để tạo nên thế mạnh riêng.
Trung bình, mỗi năm, xã Thân Cửu Nghĩa xuất khẩu hơn 10 triệu sản phẩm. Nghề làm nón cũng đã nuôi sống nhiều hộ gia đình trong làng suốt hơn 50 năm qua. Chị Nguyễn Thị Cúc, nhà ở số 37/92 Thân Cửu Nghĩa, mỗi ngày đan được gần 30 chiếc nón, cho biết: “Trung bình, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 50.000 đồng. Tuy không nhiều nhưng giúp tôi có thu nhập ổn định”. Còn chị Phạm Thị Yến ở ấp Thân Hòa, 42 tuổi nhưng đã theo nghề gần 30 năm, tâm sự: “Nghề đã nuôi sống tôi trong suốt thời gian qua. Nhờ nghề này mà gia đình có công ăn việc làm quanh năm”.
Bài và ảnh: Huỳnh Nga