Nói đến nón Bàng Buông, không chỉ người dân miền Tây mà nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Nhật Bản… đều biết đến, bởi loại sản phẩm nổi tiếng của làng nón truyền thống xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang không chỉ bền, đẹp, mát mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa của người dân đất phương Nam.
Theo nhiều bậc lão niên trong làng kể lại, thuở xưa, vùng Thân Cửu Nghĩa có nghề làm nón bàng, bởi vùng này cây bàng, cây năng, cây lát mọc rất nhiều trên những vùng đất hoang hóa, phèn mặn. Mãi sau này, cách đây chừng hơn nửa thế kỉ, trong vùng có ông Phạm Văn Cầm (tức ông Ba Cầm), trong một lần đi rừng phát hiện ra cây buông (một cây thuộc họ cọ) có lá xòe rộng rất đẹp liền hái đem về phơi khô, xé nhỏ kết thành nón. Khi đội thử, nón không chỉ mát mà còn dễ chịu bởi mùi thơm của lá buông. Thấy vậy ông làm thử vài cái cho dân làng đội để đi làm đồng. Không ngờ, nón được người dân quê ưa chuộng, đặt hàng quanh năm. Từ đó, nghề làm nón lá buông hình thành và phát triển mạnh thành nghề truyền thống của xứ Thân Cửu Nghĩa. Ngày nay, ngoài một số hộ làm nón lá bàng, còn đa phần dân vùng Thân Cửu Nghĩa chuyển sang làm nón lá buông.
Dẫn chúng tôi xem quy trình làm nón, chị Ngô Thị Tám, Phó Chủ tịch hội Phụ nữ xã Thân Cửu Nghĩa cho biết: “Để làm được một chiếc nón lá buông phải rất tỉ mỉ và công phu. Lá buông sau khi lấy ở rừng về được kéo thành sợi nhỏ, phơi khô rồi sau đó giao lại cho thợ đan nón. Riêng loại nón lá bàng, trước đây bàng được dập bằng chày rất mất công và nhiều thời gian nhưng đã được cải tiến dập bằng máy.”
Nón lá buông được đan bằng tay.
Lá buông được tước nhỏ bằng phương pháp thủ công.
Công việc làm nón không chỉ đem lại thu nhập mà còn mang lại niềm vui cho người dân làng nghề.
Máy ép định hình nón bằng sức nóng của than.
Bộ khuôn ép định hình nón lá.
Gắn nơ cho nón.
Kiểm tra chất lượng nón trước khi đưa ra thị trường.
Nón Bàng Buông không chỉ bền, đẹp mà còn giữ được màu sắc tươi sáng, đội dễ chịu. Bà Nguyễn Thị Tuyết, một nghệ nhân của làng nón cho biết: “Muốn nón đẹp, khi đan phải chặt tay để nón không bị hở. Đan xong, nón được đem đi cắt rìa, may viền, ép khuôn rồi nhuộm màu. Cuối cùng là công đoạn sấy khô, xử lí ẩm mốc. Ngoài ra, sau khi sấy xong, phải dùng lửa xử lí cho nón mềm mại để khi đội thấy được cảm giác thoải mái”.
Công đoạn nhuộm màu cũng là một bí quyết của người dân trong làng. Khi nhuộm phải để nón trong nước sôi cho màu thấm đều, không loang lổ. Sau khi nhuộm xong, phải phơi nắng cho màu thấm sâu vào từng nan lá. Chính sự tỉ mỉ ở từng công đoạn này đã khiến cho nón bàng buông không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn vươn xa tới các nước.
Hiện tại, trên địa bàn xã Thân Cửu Nghĩa có trên 400 hộ với hàng ngàn lao động làm nghề truyền thống này. Để duy trì làng nghề, ngoài quy mộ hộ gia đình, xã đã thành lập Hợp tác xã Thống Nhất và Tổ hợp Vạn Phước. Hiện nay, hơn 90% lượng sản phẩm của làng nghề được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Trung Quốc, Nhật Bản... Giá nón Bàng Buông xuất khẩu tùy thuộc vào từng loại, dao động từ 15 ngàn đến 25 đồng/chiếc. Ngoài ra, sản phẩm cũng được các khu du lịch và các tỉnh miền Tây tiêu thụ mạnh. Trung bình, mỗi năm xã Thân Cửu Nghĩa xuất khẩu hơn 10 triệu sản phẩm, giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm và tạo thu nhập ổn định cho dân làng nghề.
Ở Thân Cửu Nghĩa hiện cũng còn khoảng 70 nghệ nhân có tuổi nghề hơn 50 năm vẫn đang tiếp tục tham gia sản xuất và truyền nghề cho lớp trẻ, tạo nên sự phát triển bền vững cho nghề làm nón lá bàng buông ở địa phương, góp phần vào việc phát triển ổn định đời sống và xã hội của vùng nông thôn Thân Cửu Nghĩa./.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân