Ðể làng nghề ở Tiền Giang phát triển bền vững

Từ rất lâu, cùng với việc gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng..., người dân Tiền Giang còn tận dụng các nguồn lợi sẵn có của địa phương sản xuất những sản phẩm thủ công mang đậm nét văn hóa của từng vùng miền,  hình thành nhiều làng nghề nổi tiếng.

Ðặc sắc các làng nghề

Có dịp đến Tiền Giang, dừng chân tại TP Mỹ Tho du khách sẽ không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức hương vị  hủ tiếu Mỹ Tho với chất liệu bánh vừa dai, vừa mềm, có hương vị riêng. Nếu du ngoạn tuyến biển, bạn sẽ được tham quan các làng nghề nổi tiếng tồn tại hơn một thế kỷ, đó là nghề làm mắm tôm chà và nghề đóng tủ thờ Gò Công.

Ông Cao Văn Hổ, chủ cơ sở sản xuất mắm tôm chà Kim Sa ở thị xã Gò Công tự hào kể về xuất xứ của nghề làm mắm tôm chà. Ông nói: Vùng biển Gò Công vốn nhiều tôm, cá, nên người dân biển đã biết tận dụng nguồn lợi thủy sản này chế biến thành những sản phẩm như cá khô, các loại mắm... Riêng mắm tôm chà tương truyền rằng, sinh thời, bà Hoàng Từ Dũ (vợ Vua Thiệu Trị, mẹ Vua Tự Ðức) cùng gia đình đã chế biến và giới thiệu món ăn này ở cung đình triều Nguyễn. Do hương vị đặc trưng của mắm tôm chà không nơi nào sản xuất được ngoài vùng Gò Công, nên triều đình Huế thường dùng món ăn này tiếp khách trong các buổi lễ, tiệc... Từ đó, nghề làm mắm tôm chà được gìn giữ và lưu truyền ở Gò Công cho đến ngày nay.

Ðến ấp Ông Non, xã Tân Trung, huyện Gò Công Ðông, mọi người sẽ được tận mắt chứng kiến nét chạm tinh xảo, đầy thẩm mỹ, công phu của chiếc tủ thờ do chính những nghệ nhân ở đây tạo nên. Ông Ngô Tấn Ðức, chủ cơ sở mộc Ba Ðức có gần 60 năm trong nghề khẳng định: "Chiếc tủ thờ Gò Công truyền thống không chỉ nổi tiếng về chất liệu gỗ, sử dụng các loại danh mộc như gỗ mun, cẩm lai, gõ đỏ, căm xe... mà cái sắc sảo còn thể hiện ở đường nét hoa văn chạm trổ tinh tế, khéo léo, vừa trang nghiêm, vừa thanh thoát. Ðặc biệt là chiếc tủ có độ bền rất cao, hơn một trăm năm".

Riêng ở các huyện phía tây của Tiền Giang - vùng đất quanh năm ngọt ngào phù sa với những cánh đồng "cò bay thẳng cánh", những vườn cây trĩu nặng quả ngọt, mùa nào thức nấy, người nông dân cũng đã tranh thủ những lúc nông nhàn tạo thêm thu nhập bằng cách tận dụng nguyên liệu tại chỗ làm hàng thủ công, hình thành những làng nghề nổi tiếng như nghề dệt chiếu lác ở Long Ðịnh, nghề đan nón bàng buông ở Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Ðông thuộc huyện Châu Thành, nghề làm bánh phồng mì ở huyện Cái Bè...

Ðầu tư phát triển làng nghề

Theo số liệu thống kê của Sở Công nghiệp, giá trị sản xuất mỗi năm của các nghề, làng nghề trong tỉnh Tiền Giang khoảng 200 đến 300 tỷ đồng, chiếm 8% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho từ 5 đến 10 nghìn lao động chuyên và từ 10 đến 15 nghìn lao động nông nhàn. Thu nhập bình quân đầu người từ 600 đến 800 nghìn đồng/người/tháng, cá biệt có hộ thu nhập hơn 1,5 triệu đồng đến 15, 20 triệu đồng/tháng. Ðể bảo tồn và phát triển làng nghề, đến nay Tiền Giang đã chính thức công nhận 12 dự án làng nghề, trong đó, có 11 làng nghề đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án phát triển với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng là 26,7 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 19,2 tỷ đồng, còn lại huy động  nhân dân đóng góp.

Nhiều dự án, đề tài được hỗ trợ kinh phí, như nghiên cứu hệ thống ép định hình nón bàng buông và nồi nhuộm sợi bàng cho làng nghề truyền thống bàng buông Thân Cửu Nghĩa; nghiên cứu mô hình dệt chiếu bán tự động thay thế dệt thủ công ở làng nghề dệt chiếu Long Ðịnh; nghiên cứu công nghệ và hệ thống chế biến hủ tiếu quy mô vừa và nhỏ cho làng nghề bánh, bún hủ tiếu Mỹ Tho và dự án sấy cá khô ở xã Vàm Láng (Gò Công Ðông) vừa hoàn thành.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công nghiệp) còn đầu tư 10 ha lác nguyên liệu phục vụ làng nghề dệt chiếu Long Ðịnh, đạt sản lượng hơn 200 tấn/năm, đưa thu nhập từ trồng lác đạt từ 40 đến 50 triệu đồng/ha, cao gấp ba, bốn lần trồng lúa. Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.508 lao động và đào tạo ngắn hạn cho gần 1.000 lao động.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ này vẫn chưa đủ tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Phần lớn làng nghề truyền thống còn bị động về thị trường tiêu thụ sản phẩm, mẫu mã chậm cải tiến, khả năng cạnh tranh thấp, chưa vươn ra thị trường lớn ở châu Âu, châu Á. Ðặc biệt, chưa có làng nghề nào đăng ký thương hiệu sản phẩm hoặc xuất xứ hàng hóa, thiếu đối tác mạnh để xuất khẩu trực tiếp. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng các làng nghề còn chậm và dàn trải...

Nguyên nhân của sự chậm trễ chủ yếu do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động vốn trong dân gặp nhiều khó khăn, do thu nhập của người dân còn thấp. Sự phối hợp khôi phục, phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa được chặt chẽ. Một số địa phương chưa quan tâm hỗ trợ các nghề, làng nghề ở địa phương mình... Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Lê Văn Dưỡng nhận định, với tình hình này chưa thể nối nhịp để chung tay phát triển làng nghề một cách có hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Công nghiệp phụ trách Chương trình khuyến công và phát triển làng nghề Phạm Trọng Nhường cho biết: Tỉnh đã ban hành Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn 2020, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương, nhằm duy trì, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân... Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển các làng nghề mới khi có đủ điều kiện. Thế nhưng, do đầu tư dàn trải, nên việc đầu tư phát triển các làng nghề không hiệu quả.

Theo quan điểm của nhiều người thì việc khôi phục các làng nghề truyền thống không nên chỉ dừng lại ở đầu tư cơ sở hạ tầng, mà cần xúc tiến: đào tạo nguồn nhân lực; gắn kết làng nghề với phát triển du lịch; xây dựng, quảng bá thương hiệu; thành lập các HTX. Ðặc biệt là phải tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa tỉnh và các địa phương trong phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng bền vững... Trong khi kinh phí đầu tư cho việc khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống còn eo hẹp, Tiền Giang nên chọn lựa một số sản phẩm tiêu biểu, có giá trị xuất khẩu thuộc các làng nghề để tập trung đầu tư đồng bộ, từ đó nhân rộng mô hình và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Theo: TẤN VŨ

< Trở lại